Posted on: 04/12/2020 | Tin tức
Một vài tác dụng của việc nhảy dây đối với cơ thể
Từ trước đến nay nhảy dây luôn được xem là trò chơi vận động của trẻ em. Tuy nhiên đây còn là một môn thể thao hiệu quả và ít tốn kém nhất. Nó không chỉ giúp cải thiện vóc dáng, sức khỏe người tập luyện mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đốt cháy mỡ thừa và giảm cân
Theo các nhà khoa học, nhảy dây trong 30 phút giúp cơ thể tiêu hao được 450 calo, nhảy dây liên tục trong 10 phút tương đương với chạy chậm 30 phút hoặc khiêu vũ thể thao 20 phút.
Ở những nghiên cứu khác, các chuyên gia thể thao nhận định việc thực hiện 80-100 nhịp nhảy/phút tương đương với chạy bộ 10 km hoặc đi xe đạp 30 km/h. Ngoài ra, nhảy dây đòi hỏi bạn phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với bơi lội hoặc tập aerobic.
Do đó, chúng ta có thể coi đây là cách luyện tập mất ít thời gian nhưng lại tiêu hao khá nhiều năng lượng, giúp đẩy mạnh tốc độ đốt cháy các chất béo dư thừa trong cơ thể.
Nhảy dây liên tục trong 10 phút tương đương với chạy chậm 30 phút hoặc khiêu vũ thể thao 20 phút, giúp bạn có một vóc dáng hoàn hảo.
Tốt cho tim mạch
Một lợi ích lớn của việc nhảy dây là tăng cường hệ thống tim mạch. Nhảy dây thúc đẩy tuần hoàn máu, bảo vệ tim, tăng dung tích của phổi giúp cải thiện hô hấp, nâng cao sức khỏe tim mạch, đồng thời cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô.
Cải thiện cơ bắp
Nhảy dây là một cách tuyệt vời để cải thiện cơ bắp ở chân và phần dưới cơ thể. Sau ngày đầu tiên nhảy dây, bạn có thể bị đau nhức do cơ thể chưa thích nghi với cường độ vận động cao. Tuy nhiên, sau vài ngày luyện tập, khi cơ thể bạn đã quen dần thì các triệu chứng này sẽ tự động mất đi, khi ấy bạn sẽ cảm nhận được sự linh hoạt ở các vùng cơ.
Nhảy dây giúp tăng cường phát triển các hệ cơ rất hiệu quả, đặc biệt là vùng cơ chân và phía dưới cơ thể, đem lại cho bạn một cơ thể săn chắc hoàn hảo
Nhằm tối đa hóa hiệu quả luyện tập, các chuyên gia Jockey có một vài lưu ý cho bạn:
- Nếu có điều kiện, bạn nên tập luyện trên sàn gỗ để giảm áp lực cho cơ chân.
- Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ về chương trình và cường độ tập luyện trước khi bắt đầu tham gia bộ môn này.
- Thời gian nhảy dây tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người. Lúc đầu, bạn nên tập với tốc độ chậm (khoảng 60-70 lần/phút), thời gian ngắn (2-3 phút. Sau đó, bạn có thể nhảy dây với mức bình quân trong mỗi đợt tập khoảng 140 – 160lần/phút, kéo dài tới 10, 20 phút.
- Bạn có thể tập nhảy bằng một hay hai chân, quay dây song song hoặc bắt chéo, về trước hay ngược lại, nhảy ra nhảy vào luân phiên, nhảy một hay cùng hai hoặc ba người trở lên, nhảy bật qua 1 hoặc liền 2 hay 3 lần quay…
- Các bài tập có thể được quy định về tổng số vòng hoặc thời gian cho mỗi lần tập. Khi đã quen với việc tập luyện môn nhảy dây, việc kết hợp cả hai yêu cầu về số vòng và thời gian sẽ đem lại hiệu quả tuyêt đối cho bạn.
- Mỗi tuần, bạn nên tập tối thiểu 3-5 lần, thời gian cho mỗi buổi tập tối thiểu là 35 phút. 5 phút đầu tiên dành để vận động giãn các cơ và 30 phút sau dành để nhảy dây.
- Không được bỏ qua việc khởi động, thả lỏng cơ bắp trước và sau khi tập.
- Những người bị đau lưng, viêm khớp, cao huyết áp, phụ nữ có thai và có vấn đề về hô hấp không nên nhảy dây.
- Nên uống nhiều nước trước và sau quá trình tập, tránh sự mất nước do ra mồ hôi; Có thể sử dụng nhạc nền cho buổi tập đỡ buồn tẻ và tăng thêm hứng khởi.